Trong khoảng 10 năm trở lại đây nhiều tổ chức của các đoàn thể trong
nước cũng như nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp với một số địa phương,
nhà trường tổ chức thí điểm các dự án giáo dục truyền thống, giáo dục di
sản cho học sinh. Hiện nay chưa có những số liệu thống kê chính xác có
bao nhiêu dự án giáo dục di sản đã được thực hiện, các dự án này làm ở
đâu, nội dung và phương pháp của chúng ra sao, kết quả của chúng như thế
nào. Nếu như có được tổng kết và đánh giá thì chắc sẽ rút ra được nhiều
bài học bổ ích. Vừa qua Văn phòng UNESCO ở Hà Nội phối hợp với Trung
tâm nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản (CCH) thuộc Hội Di sản Văn
hóa chỉ mới đánh giá 5 dự án liên quan đến giáo dục di sản: “Xây dựng
phương pháp đưa di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội vào bài giảng một
số môn Khoa học tự nhiên cấp THCS”; “Liên kết với nhà trường trong giáo
dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa nhân kỷ niệm 1000 năm
Thăng Long-Hà Nội.”; “Tăng cường năng lực tiếp cận và phản ánh thông
tin cho giới trẻ nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa thông qua các
hoạt động Dự án ở Đắk Nông và Hà Nội”; “Tìm hiểu bản sắc văn hóa Mường
trong bảo vệ môi trường thông qua giáo dục tại trường THCS Thanh Hối, xã
Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình”; “Giáo dục bảo tồn di sản
thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”. Đánh giá chỉ mới 5 dự án trên đã cho
chúng ta nhiều bài học quý giá, gợi nhiều điều lý thú.