BÀI TRUYỀN THÔNG GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

 Trân trọng gửi tới các bạn học sinh, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, các cơ quan quản lí nhà nước và giới truyền thông!

Như chúng ta đã biết, tiếng Việt vốn là thứ tiếng giàu đẹp và trong sáng. Trải qua thời gian, người dân Việt Nam không ngừng gìn giữ, cải tiến tiếng Việt làm cho tiếng nói của dân tộc ngày càng phát huy được giá trị và vẻ đẹp riêng của nó. Song, trong thực tế, tình trạng một bộ phận người dân ( ở mọi lứa tuổi, ở mọi tầng lớp) vô tình hoặc cố tình sử dụng tiếng Việt một cách “ méo mó”, thiếu chuẩn; Hoặc chưa có ý thức trau dồi và bảo vệ vốn tiếng Việt quý giá. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc” Giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc”. Với vai trò là người học sinh, chúng em thiết nghĩ để bảo tồn, phát huy và làm giàu tiếng Việt là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách. Đó vừa là tinh thần tự tôn dân tộc vừa là trách nhiệm của tất cả mọi người. Vì vậy, chúng em xin gửi tới các bạn học sinh, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, các cơ quan quản lí nhà nước và giới truyền thông một số giải pháp khắc phục thực trạng nói và viết lệch chuẩn của chúng ta hiện nay. Hi vọng bài viết của chúng em sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và chia sẻ của tất cả mọi người.

Chúng em xin chân thành cảm ơn!

=====================================

Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn rằng: "Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày một rộng khắp". Thế nhưng, các bạn học sinh hiện nay đang sử dụng tiếng Việt một cách cẩu thả, thậm chí tối nghĩa và khó hiểu. Các bạn trẻ đang dùng loại ngôn ngữ không chuẩn (cả về chính tả, ngữ pháp, phát âm) để nhắn tin qua điện thoại, trao đổi thông tin với nhau qua Internet, trong trò chuyện, giao tiếp hay thậm chí cả trong viết bài, làm bài kiểm tra... Nó xa lạ với ngôn ngữ phổ thông và cũng chẳng giống với một ngôn ngữ nào trên thế giới. Nó bao gồm những ký hiệu phức tạp, tiếng lóng, xen lẫn ngoại ngữ và đặc biệt là nhiều từ được viết theo âm đọc, nhưng lại bị biến tướng theo hướng sai chính tả. Điều đó đã ảnh hưởng không ít đến sự trong sáng và vẻ đẹp được kết tinh từ bao đời nay của tiếng Việt.

Chúng em biết, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt luôn tiềm tàng và ẩn sâu trong đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc; thể hiện nhận thức sâu sắc của nhân dân ta về vai trò của văn hoá - nguồn cội sức mạnh của dân tộc. Tương lai của quốc gia, của dân tộc không chỉ là từ tiềm lực kinh tế, mà còn là từ văn hoá, từ con người. Và các kênh truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực, dễ dãi trong sử dụng, phát triển, làm mới tiếng Việt.

Để khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt - ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời góp phần tạo các định hướng cho việc giữ gìn và phát triển của tiếng Việt phù hợp với yêu cầu giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, nhất là trong bối cảnh và trách nhiệm truyền thông hiện đại, chúng em xin đề xuất một số biện pháp sau:

1- Tiếp thu có chọn lọc ngôn ngữ, văn hóa nước ngoài: Trong quá trình hội nhập phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan. Tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc.

2- Kiểm duyệt chặt chẽ trước khi xuất bản, công bố: Mỗi cơ quan truyền thông, báo chí nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các ấn phẩm, chương trình, kênh sóng.

3- Có quy định, chế tài nghiêm khắc: Đối với các cơ quan truyền thông, cần có cơ chế và chính sách cụ thể, đủ mạnh và nghiêm khắc đối với phóng viên, biên tập viên trong việc dùng tiếng Việt lệch chuẩn trên báo chí, nhằm khuyến khích người có sáng tạo và nhắc nhở, xử phạt đối với người coi nhẹ, người vi phạm hoặc người làm hỏng tiếng Việt, gây hậu quả xấu.

4- Sớm thông qua Luật Ngôn ngữ: Được biết, trên thế giới hiện nay có hơn 1.000 bộ Luật ngôn ngữ. Trong khi Việt Nam có nghìn năm văn hiến thì lại chưa có Luật ngôn ngữ. Ở nước ta ngày nay, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân tộc là đòi hỏi quốc dân, cần phải thể hiện thành văn bản pháp quy.

5- Ban hành và Tổ chức “Ngày Tiếng Việt”:

Ngày 25/9/ 2020 tại thành phố Hà Tĩnh, Giáo sư Phong Lê cùng các nhà thơ, nhà nghiên cứu uy tín hàng đầu nước ta đã kiến nghị với Nhà nước cần có Quyết định Ban hành “Ngày Tiếng Việt”. Chúng em rất đồng tình với kiến nghị này. Vì đó là một dịp để nhắc nhở toàn dân cùng giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ nước nhà.

Trong Ngày tiếng Việt, chúng ta có thể tiến hành những hoạt động sau:

+ Trên mạng xã hội, đổi ảnh đại diện, ảnh bìa về ngày Tiếng Việt. Đăng tải hoặc chia sẻ những bài viết tôn vinh những cái hay, cái đẹp của tiếng Việt.

+ Các cơ quan, tổ chức vận động hạn chế tối đa việc sử dụng những từ ngoại lai không cần thiết, cũng như những từ mang hơi hướng thô tục của giới trẻ (nhưng những từ giới trẻ tạo ra mà có giá trị vẫn nên được giữ).

+ Tổ chức các buổi sinh hoạt, toạ đàm để nhiều người biết đến cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, cũng như cách dùng tiếng Việt sao cho đúng.

+ Kêu gọi tài trợ cho các dự án giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Tiếng Việt trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, với không ít mưu đồ đồng hóa nhưng Tiếng Việt vẫn mãi khẳng định được vị thế của mình, ngày càng hoàn thiện và phát triển đảm đương tốt vai trò là ngôn ngữ văn hóa dân tộc. Đúng như lời của nhà văn Đặng Thai Mai đã viết “Tiếng Việt một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc. Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay…”. Mỗi người chúng ta hãy cùng tâm niệm điều này để xác định trách nhiệm gìn giữ, phát triển tiếng Việt trong hiện tại và tương lai.

_____________________________________